Bão có nhiều tên gọi khác nhau tuỳ vào khu vực phát sinh:
+ Bão hình thành trên Đại Tây Dương: hurricanes
+ Bão hình thành trên Thái Bình Dương: typhoons
+ Bão hình thành trên Ấn Độ Dương: cyclones
Điều kiện cơ bản để hình thành bão là nhiệt độ cao và những vùng dồi dào hơi nước: khi nhiệt độ cao sẽ làm cho hơi nước bốc lên mạnh và bị đấy lên cao, tại khu vực đó 1 tâm áp thấp hình thành. Do sự chênh lệch khí áp, không khí ở khu vực lân cận sẽ tràn vào.Tại tâm bão (mắt bão) không khí chuyển từ trên xuống dưới, xung quanh tâm bão: không khí bốc mạnh lên cao ngưng tụ thành 1 bức tường mây dày đặc, tạo ra những cơn mưa cực lớn và gió xoáy rất mạnh. Khi đi vào đất liền hoặc vùng biển lạnh ở các vĩ độ cao, bão mất nguồn năng lượng bổ sung từ không khí nóng ẩm trên biển, cộng với đó là ảnh hưởng của lực ma sát với mặt đất nên suy yếu dần và tan đi.
Ảnh: Bão Số 9 (Durian) hình thành và di chuyển vào Việt Nam
Cấu tạo của một cơn bão nhiệt đới
Một cơn bão nhiệt đới trưởng thành bao gồm một hoàn lưu ngang gần đối xứng và một hoàn lưu đứng. Các hoàn lưu này đôi khi được gọi là hoàn lưu sơ cấp và hoàn lưu thứ cấp. Sự kết hợp của 2 hoàn lưu tạo thành một dạng chuyển động xoáy ốc. Không khí hội tụ theo hình xoắn ốc vào khu vực trung tâm của bão ở mực thấp, hầu hết dòng thổi vào bị giới hạn trong lớp biên mỏng có độ dày cỡ 500m đến 1000m.
Cấu tạo của 1 cơn bão gồm các phần sau: mắt bão (the eye), thành mắt bão (the eyewall), dải mây (rainbands) và lớp mây ti dày đặc phía trên (the Dense Cirrus Overcast)
Ảnh: Cấu tạo của 1 cơn bão
Mắt bão hay còn gọi là tâm bão, là vùng giữa các cơn lốc xoáy của bão, thường có áp suất không khí rất thấp.
Mắt bão là một khu vực hầu như lặng gió nằm ở trung tâm của một cơn lốc xoáy nhiệt đới mạnh. Mắt bão thường có hình xoáy tròn và thường có đường kính khoảng 25–40 dặms (40–65 km). Nó được bao quanh bởi thành mắt bão hay còn gọi là hoàn lưu bão (eyewall), đây là vùng hình xuyến quanh mắt bão, có sức gió mạnh nhất và sức tàn phá lớn nhất trong cơn bão.Vùng khí áp thấp nhất của bão nằm ở mắt bão, và có thể thấp hơn 15% so với áp suất khí quyển bên ngoài cơn bão. Khoảng cách từ tâm của mắt bão đến hoàn lưu bão gọi là bán kính gió cực đại của một bão xoáy nhiệt đới.
Mắt bão có thể là đặc điểm dễ nhận thấy nhất của bão xoáy nhiệt đới. Được bao quanh bởi hoàn lưu bão, một vòng bão sét hình tháp, mắt bão có dạng hình tròn ở trung tâm bão xoáy. Với các bão xoáy nhiệt đới mạnh, mắt bão có gió nhẹ và quang mây, bao quanh bởi hoàn lưu bão hình tháp đối xứng. Với các bão xoáy nhiệt đới yếu hơn, mắt bão khó định hình hơn, và có thể bị bao phủ bởi mây mù trung tâm,là một vùng mây cao, dày, có thể nhìn thấy rõ ràng bởi ảnh vệ tinh. Các cơn bão yếu hơn có thể tạo nên hoàn lưu bão mà không làm tròn được mắt bão, hoặc có mắt bão với mưa to. Tuy nhiên trong tất cả các cơn bão, mắt bão là nơi có khí áp thấp nhất; nơi mà áp suất khí quyển trên mặt biển là thấp nhất.
Ảnh: Tâm của Cơn bão Isabel Cấp độ4 quan sát từ Trạm không gian Quốc tế ISS vào ngày 15 tháng 9, 2003
Bão thường xuất hiện ở khu vực từ vĩ tuyến 5 đến 20 0 vĩ Bắc và Nam, điển hình là ở Thái bình Dương với tên gọi là Bão nhiệt đới (Tropical Storm). Tại đây, nhiệt độ tương đối cao, tạo điều kiện cho sự đối lưu của nước, hình thành bão. Những cơn mưa rào do bão mang tới làm cho cỏ cây phát triển tươi tốt. Tuy nhiên những trận bão dữ dội có thể tàn phá mùa màng, sập nhà cửa, gây thiệt hại rất lớn cho con người.
Ở Việt Nam, bão phát sinh từ tháng 5 đến tháng 12 trên khu vực biển Đông. Sau khi đạt tới trình độ phát triển mạnh, bão di chuyển theo hướng từ Đông sang Tây, về phía đất liền và thường tan đi khi đã đổ bộ vào bờ biển. Từ Bắc vào Nam mùa bão chậm dần phù hợp với sự di chuyển của dải hội tụ nhiệt đới: từ Móng Cái - Thanh Hoá (tháng 7,8), Thanh Hoá - Quảng Trị (tháng 9), Quảng Trị - Bồng Sơn (tháng 10), Bồng Sơn - TPHCM (tháng 11), TPHCM - Cà Mau (tháng 12).
Năm 2006 là năm xuất hiện nhiều trận bão mạnh: bão Chanchu (5/2006), bão Xangsane và Cimaron (10/2006), Chebi (11/2006), bão Durian và Utor (12/2006). Các cơn bão gây thiệt hại lớn cho người dân (đặc biệt là các khu vực gần biển)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét