Đồng bằng sông Cửu Long: Nước mặn sẽ tiếp tục xâm nhập vào đất liền sâu hơn

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo: từ nay đến tháng 5/2008, nước mặn sẽ tiếp tục xâm nhập vào đất liền sâu hơn, có nơi mặn xâm nhập sâu tới 65km, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống.

Từ nay đến thời điểm trên, tại khu vực Cửa Tiểu, thuộc sông Cửu Long, độ mặn 10 phần nghìn, có thể xâm nhập cách cửa sông từ 30 đến 35 km, độ mặn 4 phần nghìn, có thể xâm nhập sâu đến 40 đến 45 km. Dọc sông Hàm Luông, độ mặn 10 phần nghìn có thể xâm nhập cách cửa sông khoảng 35 km. Trước đó, trong tháng 2/2008, độ mặn 4 phần nghìn đã xâm nhập sâu đến 45 km. Dọc sông Cổ Chiên, độ mặn lớn hơn 10 phần nghìn sẽ xuất hiện và xâm nhập sâu cách cửa sông hơn 40 km. Riêng độ mặn 4 phần nghìn có thể xâm nhập sâu đến 65 km. Dọc sông Định An: trong các tháng 3, 4 năm nay và độ mặn đạt tới 10 phần nghìn có thể xâm nhập cách cửa sông đến 30km. Riêng độ mặn 4 phần nghìn có thể xâm nhập sâu đến 40 km. Dọc sông Trần Đề, độ mặn 10 phần nghìn trong tháng 3 và tháng 4/2008 có thể xâm nhập cách cửa sông khoảng 35 km. Độ mặn 4 phần nghìn có thể xâm nhập sâu 45 km kể từ cửa sông. Dọc sông Cái Lớn, độ mặn 10 phần nghìn trong tháng 4 có thể xâm nhập sâu khoảng 35 km kể từ cửa sông. Tháng 4, tại đây có độ mặn cao nhất trong năm 2008.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Sâm, Viện Trưởng, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết: Năm 2007, có lượng mưa trung bình lớn hơn năm 2006, nhưng xuất hiện sớm, nên lũ về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở mức thấp. Mực nước đầu nguồn trên sông Cửu Long vào những tháng cuối năm 2007 giảm hơn so với cùng kỳ năm 2006. Đồng thời với xu thế ngày càng gia tăng mực nước biển, nên mức độ xâm nhập mặn mùa khô năm 2008 sâu và lớn hơn trung bình nhiều năm ở ĐBSCL. Hiện tại, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền đã gây khó khăn cho một số địa phương. Ông Sử Văn Minh, Trưởng Phòng Nông nghiệp – Thủy sản huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) cho biết: hiện nước mặn đang xâm nhập sâu, đe dọa nghiêm trọng 7.000 ha đất nông nghiệp đang thực hiện mô hình lúa + cá đồng và hoa màu của huyện. Hầu hết các tuyến kênh vùng ngọt hóa tại huyện này đã bị nhiễm mặn (từ 4 đến 9‰). Tại vùng ngọt hóa huyện U Minh, trên các tuyến kênh 500, Mương Phèn nước mặn đã xâm nhập sâu vào tận nội đồng.

Tại Bến Tre, hiện nước mặn trên tất cả các con sông lớn đã vào sâu trong nội địa trên 40 km, có nơi 55 km. Trên sông Cửa Đại (sông Tiền), nước mặn đã tràn đến các xã Giao Hòa, Giao Long, An Hóa (huyện Châu Thành). Trên sông Cổ Chiên, nước mặn đã tràn đến xã Thành Thới B( huyện Mỏ Cày), các xã Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung( huyện Chợ Lách, 55 km). Trên sông Hàm Luông, nước mặn đã xâm nhập đến Vàm Mỹ Hóa, thuộc phường 7, thị xã Bến Tre. Đặc biệt, độ mặn trên các sông Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên đã tăng lên đáng lo ngại, từ 22,5 đến 27%o, nay đã tăng lên từ 25 đến 29%o. Hiện, nhiều huyện ven biển đã thiếu nước ngọt cục bộ, người dân phải mua nước ngọt để ăn uống với giá cao.

Tại xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), các hồ, giếng nước ngọt đã cạn kiệt. Tại xã đảo Nam Du và An Sơn, huyện Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang), giếng khơi, giếng đào trên đảo đã bị xâm ngập mặn, hoặc nước ngọt còn rất ít, đã làm cho hàng ngàn hộ dân thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Cả 2 xã đảo chỉ trông cậy vào nguồn nước ngọt duy nhất, ít ỏi, tại khu vực Bãi Giếng (xã An Sơn), nhưng không đủ dùng. Có lúc, người dân phải mua nước ngọt với giá 150.000 đồng/m3.
Theo TNMT