Hiểm hoạ từ những cơn bão trái mùa tại Việt Nam

Vietnam people never forgot a disaster come from The fifth tropical storm in 1998, killed over 300 fish men and others in Thailand gulf and near Condore Island, and Typhoons number 8, number 9 in 2006 caused serious loss for people and their proprties in the Midle and the South of Vietnam.

Người dân Việt Nam không ai không nhớ tới cơn bão số 5 tai ương năm 1998 đã làm chết và mất tích trên 300 ngư dân của vùng miền Trung và Nam Nam bộ. Một thảm họa không đáng có lúc bấy giờ. Và những cơn bão cuối mùa hiếm có nhưng cường độ lớn đã ập vào miền Trung và Nam Việt Nam trong năm 2006, gây thiệt hại lớn về con người và tài sản. Nguyên nhân chính là sự thiếu hiểu biết và chủ quan về bão nhiệt đới của người dân đang sống ở vùng vẫn được coi là thiên nhiên ưu đãi bốn mùa.

Bão gió trên biển là chuyện thường tình, nhưng để đừng bao giờ lặp lại cảnh bi thương tương tự, bài viết này mong sao giúp ích được cho bà con, cho những tàu thuyền hoạt động trên vùng biển nhưng chưa hiểu rõ những quy luật của bão nhiệt đới hoặc áp thấp nhiệt đới, từ đó có được một ít kiến thức để cứu lấy mình.

Khi nghiên cứu về bão nhiệt đới người ta thấy rằng, để hình thành một xoáy thuận (vùng có khối không khí nhiễu loạn, có áp suất thấp xuống so với bình thường, có gió xoáy và giật dưới cấp 8, tức là khoảng dưới 80 km/ giờ) hoặc bão nhiệt đới (xoáy thuận trên vùng nhiệt đới có sức gió lớn hơn cấp 8), cần có các điều kiện sau:

- Vì một lý do nào đó, có một khối không khí trên biển bị nhiễu loạn

- Khối không khí phải có độ ẩm đủ lớn (vì vậy bão chỉ hình thành trên biển rồi mới đi vào đất liền)

- Nhiệt độ nước biển lớn hơn 26 độ (oC).

Điều kiện này tương ứng với quy luật di chuyển của mặt trời từ bán cầu lên Bắc bán cầu từ sau ngày 21 tháng 3 hàng năm. Mặt trời sưởi ấm các vùng biển trong suốt thời gian nằm lại vùng trời Bắc bán cầu. Các cơn bão nhiệt đới cũng bắt đầu xuất hiện ở vùng biển phía bắc, sau đó chuyển dần về phía nam. Việt nam nằm hoàn toàn trong vùng khí hậu nhiệt đới. Vùng cực nước ta (Côn đảo) ở vào khoảng 8 độ vĩ tuyến bắc và cực Bắc (Quảng ninh) ở vào khoảng 22 độ vĩ tuyến bắc. Vì vậy, mùa bão của Việt nam thường bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 12 hàng năm. Tháng 10 âm lịch được coi là tháng kết thúc mùa bão ở vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng. Người dân phía nam thường bắt đầu chứng kiến những cơn bão muộn từ sau thời gian này.

Tuy nhiên, do sự biến động bất thường của khí hậu (hiện tượng Elnino), nhiệt độ nước biển vẫn cao trong mùa thu –đông ở vùng Bắc bán cầu, khác với quy luật hàng năm di chuyển của mặt trời. Từ đó thấy rằng các cơn bão mạnh vẫn hình thành liên tục trong các tháng 11 – 12 năm 2006 và vẫn di chuyển lên vùng biển bắc hoặc đi theo những quỹ đạo bất thường (Bão số 8, 9, 10 năm 2006)

- Bão chỉ hình thành ở vùng biển có vĩ độ địa lý lớn hơn 5 độ (Bắc hoặc Nam).

Gió xoáy tạo thành bão là do việc di chuyển của dòng không khí từ vòng ngoài vào trung tâm có áp suất thấp, tạo thành xoáy và bốc lên cao gây mưa dữ dội, sóng biển dốc và hỗn độn. Gió giật vừa có sức xô theo phương nằm ngang vừa hút lên cao làm cho mọi vật như vừa bị nhổ lên khỏi mặt đất và vất ra xa vị trí của chúng. Đó là một sự tàn phá.

Gió bão không đi theo đường thẳng từ ngoài vào tâm bão mà liên tục bị tác động của lực làm lệch hướng, lực này xuất hiện khi có một vật chuyển động trên bề mặt đất, từ đó quỹ đạo chuyển động bị liên tục lệch sang bên phải hướng di chuyển (ở Bắc bán cầu) và lệch trái khi ở Nam bán cầu. Trong vật lý, lực đó là lực Coriolit (C), công thức về độ lớn:

C = 2ω.v sinφ

Theo quy luật vật lý như trên, các cơn bão sau khi trưởng thành trên vùng biển Tây Thái Bình dương luôn có xu hướng di chuyển theo hướng Tây - Tây bắc. Tuy nhiên theo thống kê thấy rằng quy luật đó chỉ chiếm một tỉ lệ khoảng 30 phần trăm, số còn lại chuyển động theo những đường đi không quy luật. Chính vì thế việc dự đoán của các nhà khí tượng không thể hoàn toàn chính xác. Đây là một mối hiểm họa, đang thách thức khoa học dự báo và đe dọa cuộc sống con người. Sau khi đổ bộ vào đất liền bão sẽ bị lực ma sát gây cản trở hoặc khi di chuyển lên vùng biển lạnh hơn năng lượng của chúng sẽ giảm xuống, bão suy yếu và tan nhanh.
Trong đó:

v: tốc độ di chuyển của phần tử chuyển động, φ: Vĩ độ địa lý, ω: tốc độ quay của trái đất.

Thấy rằng, nếu giá trị vĩ độ nhỏ thì lực C không đủ lớn để gây lệch hướng chuyển động của các phần tử không khí. Nói một cách khác: sẽ không có gió xoáy (không có bão hoặc áp thấp nhiệt đới). Điều đó giải thích cho việc vì sao các tỉnh phía nam nước ta (ở vĩ độ thấp) ít khi thấy bão.


Bão hình thành, di chuyển trên biển với nhiều điều kiện thuận lợi sẽ tích lũy thêm năng lượng và lớn dần lên. Vì vậy các cơn bão mạnh thường xuất hiện trên vùng biển Thái bình dương, sau khi tràn qua Philipin đã đủ lớn và đi vào nước ta. Còn các xoáy thuận xuất hiện trên Biển đông (giữa Philipin và Việt nam), sau đó vào Việt nam thường là các áp thấp nhiệt đới, vì thời gian tồn tại trên biển ngắn. Một cơn bão trên vùng Thái bình dương có tuổi đời từ dăm đến vài chục ngày.

Hình 1 là ảnh chụp vệ tinh và cấu trúc theo chiều ngang của một cơn bão. Trong hàng hải người ta phân chia vùng bão thành các khu vực một cách tương đối trên cơ sở ảnh hưởng của gió, sóng biển và khả năng các tàu thuyền bị cuốn vào tâm xoáy khi phải chống chọi trên biển ở các vị trí khác nhau. Bão được chia thành 2 phần qua đường di chuyển. Phần nửa bên phải đường di chuyển ở Bắc bán cầu được gọi là Bán vòng nguy hiểm (BVNH), vì những nguyên nhân sau:

- Cùng một khoảng cách đến tâm bão thì sóng gió ở khu vực bên phải (BVNH) lớn hơn ở bán vòng bên trái.

- Tàu thuyền phải chạy vát sóng (cho gió thổi vào phía trước, mạn phải của tàu thuyền) để vượt ra sau trung tâm của bão. Việc chạy tàu vát sóng sẽ rất cực nhọc và nguy hiểm (Vị trí A). Tàu thuyền không được phép chạy xuôi gió trong khu vực này, vì sẽ bị cuốn vào tâm bão.

- Nếu tàu thuyền không đủ sức vượt ra sau bão thì rất dễ bị đưa vào tâm. Trong lúc đó bão luôn có xu hướng di chuyển lệch phải vì vậy khả năng tàu bị đưa gần vào tâm bão sẽ rất lớn.

Ở Bắc bán cầu, bán vòng bên trái đường di chuyển của bão được gọi là bán vòng hàng hải (BVHH), ít nguy hiểm hơn vì các lý do:

- Cùng khoảng cách đến tâm bão thì sóng gió nhẹ hơn một ít

- Quy tắc tránh bão trong vùng này là cho tàu chạy chếch gió mạn trái ( gió luôn thổi vào mạn trái, phía sau). Lúc này tốc độ tàu thuyền tăng nhanh, việc chạy tàu cũng khỏe hơn, nhanh chóng rời khỏi khu vực nguy hiểm. Khả năng rơi vào tâm bão ít hơn. (vị trí B)

Trong thực tế, nếu vị trí tàu cách tâm bão tương đối xa và ở gần trên đường di chuyển của nó (vi trí C) thì người điều khiển tàu thuyền xem xét khả năng thực hiện và cho tàu cắt đường đi để chạy sang BVHH. Điểm cần thiết phải xem xét là khi bão càng đến gần thì tốc độ tàu càng giảm xuống, hơn nữa sai số về dự báo đường di chuyển của bão cũng khá lớn. Nếu không chắc chắn thì không được mạo hiểm thực hiện.

Việc điều động tàu thành công trong vùng bão phụ thuộc vào khả năng kỹ thuật của tàu thuyên, sức khỏe của người đi biển và kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết về bão của họ. Một trong những nguyên tắc đã được tổng kết dễ nhớ, giúp cho những người điều khiển tàu thuyền thoát nạn khi bị rơi vào khu vực BVNH là Quy Tắc 3 Phải (Phải – Phải – Phải). Nếu đứng quay mặt về hướng gió thổi, sau một thời gian đủ lớn thấy hướng gió đổi chiều dần sang bên Phải, lúc đó tàu đang nằm ở bán vòng bên Phải (BVNH), luôn để gió vát Phải để điều động tàu dần vê phía sau cơn bão.

Việc nhận biết vị trí hiện tại của tâm bão hết sức quan trọng và có thể thông qua các bản tin thông báo thời tiết. Sau đó xác định vị trí tương quan của tàu mình so với tâm bão để có phương án chạy tàu cho phù hợp. Tuy nhiên, nhiều lúc ở trên biển chúng ta không nhận được thông tin. Kinh nghiệm quan sát có thể cho ta những phán đoán tương đối chính xác hướng đến tâm bão, bao gồm quan sát hướng di chuyển của mây, hướng của sóng lừng hoặc sự thay đổi của áp suất không khí và hướng gió trong quá trình quan sát.
- Khi còn cách xa tâm bão, nhìn lên bầu trời thấy mây màu trắng trên cao như những sợi khói thuốc bị hút về một điểm (hướng đến tâm bão).

- Hướng từ đó sóng lừng đầu tròn di chuyển tới là hướng đến tâm bão. Chu kỳ sóng càng dài thì sức gió trong tâm bão càng lớn (ví dụ, nếu đo được chu kỳ sóng là 10 giây thì tương ứng gió vùng tâm bão gần tới cấp 10).

- Khí áp giảm dần là bão đang đến gần

- Đứng quay mặt về hướng gió: tâm bão sẽ ở phía tay phải, chếch về sau.
Xét đến sự di chuyển bất thường của những cơn bão cuối mùa tại Việt nam và sự nguy hiểm của chúng cho tàu thuyền, cho cư dân các vùng phía nam nước ta, thấy rằng:


- Các cơn bão cuối mùa thường xuất hiện ở vùng có vĩ độ thấp, lực Coriolit không đủ lớn để đưa cả khu vực bão lên phía bắc.

- Các khối không khí lạnh xuất hiện và di chuyển xuống phía nam sẽ ép vùng bão xuống phía dưới.

- Khi bão vào gần vùng bờ, địa hình cũng là nguyên nhân làm cho quỹ đạo nhiều cơn bão chuyển hướng dọc theo bờ biển xuống phía nam.

- Việc dự báo đường đi của bão trong các trường hợp này sẽ gặp khó khăn và không chính xác.

Vì hiếm thấy xuất hiện bão ở các vùng phía nam nước ta (từ vĩ độ 12 trở xuống) cho nên nhân dân sống trong các vùng này rất chủ quan. Nhà cửa cho đến các công trình dân dụng khác đều được xây dựng mà không tính đến khả năng chịu bão gió. Tàu thuyền hoạt động trên biển cũng thiếu các thiết bị thông tin liên lạc, trang bị an toàn. Thậm chí ngư dân còn mê tín và tin rằng việc mang theo phao cứu sinh trên tàu sẽ xui xẻo. Các tàu thuyền đánh bắt trên biển thường nhỏ, công suất máy yếu, thiếu dự trữ cần thiết. Đặc biệt người dân không hiểu biết cách thức chạy tàu khi gặp bão. Việc đưa tàu thuyền về tập trung tại Côn đảo hoặc cố gắng chạy về bến trong cơn bão số 5, năm 1998 đã làm chết hơn 300 người, hư hỏng nhiều tàu thuyền là một minh chứng đau lòng. Mặc dù sức gió trong cơn bão đó chỉ đạt cấp 8 – 9.

Trên thực tế, theo quy luật chuyển động và ảnh hưởng của khu vực bão thì các tàu thuyền trên biển ở các vĩ tuyến 12 trở xuống rất dễ phòng tránh. Miễn rằng họ biết được thông tin về vị trí tâm bão, khu vực ảnh hưởng của gió mạnh (trên cấp 6), và tàu thuyền có kế hoạch dự trữ nước ngọt, lương thực, nhiên liệu trong mùa bão. Các tàu thuyền ở khu vực này chỉ cần chạy xuống phía nam, hoặc theo hướng đông nam để ngày càng cách xa tâm bão sẽ hết sức an toàn (Hình 4). Sau đó liên lạc về đất liền để phối hợp trợ giúp cần thiết sau khi bão tan. Việc cố gắng chạy vào bờ sẽ nguy hiểm vì tốc độ di chuyển của bão khoảng 10 – 15 hải lý / giờ, trong lúc đó tốc độ tàu thuyền đánh bắt khoảng 4 – 5 hải lý/ giờ. Bão sẽ nhanh chóng đuổi kịp tàu thuyền. Khi có bão, các tàu thuyền chạy về bờ sẽ bị ngược gió (gió Tây – Tây nam), tốc độ còn giảm mạnh.

Sóng biển do bão gây ra là sự kết hợp của sóng do gió và sóng lừng, cọng với yếu tố dâng mực nước vì áp suất không khí thấp hơn bình thường. Khi vào bờ sóng sẽ tràn lên, cuốn trôi hoặc nhấn chìm mọi vật trên đường đi của nó.

Tuy nhiên, những thuyền nhỏ, hoạt động gần bờ khi nhận được tin báo bão cần phải vào bờ gấp để trú ẩn.

Gió trong vùng bão đổi chiều liên tục và giật mạnh, mỗi lần giật thì sức gió có thể tăng thêm 2-3 cấp và lệch hướng thêm. Nếu ta đang nằm trên hướng di chuyển của bão thì sự thay đổi hướng gió không rõ ràng, trong lúc quan sát trên đồng hồ đo khí áp thấy giá trị đo bị giảm liên tục. Một khi thấy hướng gió đổi chiều gần như ngược lại so với hướng ban đầu thì đó là dấu hiệu tâm bão đã đi qua. Trên đất liền quan sát thấy gió mạnh dần lên, mưa rất lớn, sau đó bỗng nhiên ngớt mưa, lặng gió rồi tiếp đến giai đoạn gió giật mạnh nhưng có chiều ngược lại, mưa như trút. Đó là dấu hiệu tâm bão đi qua. Chính giai đoạn gió giật trở lại sau đó có sức tàn phá ghê gớm. Nhân dân chống bão phải quan tâm đến hiện tượng này để có biện pháp chằng giữ cả bốn phía cho chắc chắn.

Ở trên biển vì dòng nước trong vùng tâm bão xoáy mạnh, sóng dốc và hỗn độn nên tàu thuyền rơi vào khu vực này sẽ hết sức nguy hiểm. Việc thoát khỏi tâm bão chỉ là một sự may mắn hiếm có.

Kết luận:

- Bão cuối mùa thường lùi dần về phía nam nước ta, mặc dù ít xuất hiện nhưng rất nguy hiểm vì sự chủ quan và thiếu hiểu biết của nhân dân.

- Ở trên biển, khi không thể về đất liền thì hướng – Đông –nam là hướng chạy an toàn của tàu thuyền khi hoạt động ở phía bên trái đường đi của bão. Nam

- Cần có trang bị thông tin liên lạc tốt, có đủ thiết bị an toàn, chuẩn bị nhiên liệu, thực phẩm dự phòng trước khi ra khơi trong mùa bão.
- Nếu có phải rơi vào bán vòng nguy hiểm của bão thì Quy tắc 3 Phải là phương án cần thực hiện để thoát.

- Nước biển dâng cao, lũ quét là hậu quả tất yếu của bão, nhân dân vùng ven biển, vùng núi dốc cần được sơ tán kịp thời

0 Nhận xét: