Hướng gìn giữ, khai thác biển vàng

LTS: Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương. Với "Chiến lược biển đến năm 2020" được đề ra tại Nghị quyết Trung ương 4 khóa X của Đảng, lần đầu tiên cái nhìn về biển của Việt Nam có tầm chiến lược quốc gia và khẩn thiết. Bởi trong thực tế, người Việt luôn tự hào về biển cả bao la của Tổ quốc, nhưng gần như chưa bao giờ thấu suốt tiềm năng phần biển mà mình sở hữu, càng chưa đủ năng lực để khai thác hiệu quả nguồn lợi từ biển cả.
Với chức năng quản lý Nhà nước về biển đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định nội dung quan trọng nhất khi xây dựng thể chế, chính sách Nhà nước về quản lý biển, đảo, là phải đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương nhằm huy động tối đa, sử dụng hợp lý nguồn lực phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, đồng thời giữ vững chủ quyền Quốc gia, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên các vùng biển Việt Nam.
Cần có tầm nhìn mới về đầu tư, khai thác kinh tế biển, và còn phải đảm bảo nguyên tắc bảo vệ bờ biển đẹp. Đây là "mỏ vàng" đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Bàn tròn TN&MT xin giới thiệu ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia và cộng đồng với mong muốn gìn giữ mãi bền vững tài nguyên môi trường biển.



TS. Nguyễn Ngọc Huấn, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản TN&MT biển: Đẩy mạnh điều tra cơ bản về TN&MT biển

Là Quốc gia có biển, nước ta có nhiều tiềm năng và lợi thế. Các nguồn tài nguyên biển có khả năng khai thác lớn có thể kể đến dầu khí - một nguồn tài nguyên mũi nhọn - có ưu thế nổi trội nhất, các khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn ở vùng ven biển và dưới đáy biển nước ta còn có than, nhôm, sắt, titan, thiếc, măng gan, đồng, niken, các loại đất hiếm, cát thủy tinh và các loại vật liệu xây dựng khác. Khả năng phát triển cảng và vận tải biển là yếu tố nổi trội cơ bản, là nguồn lực rất quan trọng. Tài nguyên du lịch biển, nguồn lợi hải sản nước ta cũng được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Nguồn nhân lực dồi dào ven biển là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định kết quả khai thác tiềm năng nguồn lợi biển.

Tuy nhiên, biển còn ẩn chứa nhiều tiềm năng không thể nhìn thấu bằng mắt, và "Chúng ta vẫn còn hiểu biết quá ít về "biển bạc", về nguồn tài nguyên thiên phú cho Việt Nam, do đó chưa khai thác hết tiềm năng kinh tế biển" như Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã nhận định. Đã có không ít bài học về việc huỷ hoại môi trường do không quan tâm đúng mức đến vấn đề này trong việc khai thác tài nguyên biển.

Chính vì vậy, cần nâng cao năng lực quản lý về biển. Bộ TN&MT đã chính thức được giao chức năng mới là quản lý Nhà nước về biển đảo Việt Nam. Công tác điều tra cơ bản về TN&MT biển phải tạo được hệ thống thông tin cơ sở tin cậy, phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển.

Chỉ nói về quy hoạch phát triển kinh tế hải đảo, cần dựa vào thế mạnh của từng nơi và đặt trong tư duy tổng thể hệ thống đảo và từng vùng biển, cũng như góc độ địa kinh tế, địa chính trị và các vấn đề xã hội. Đối với các đảo nhỏ, đảo hoang sơ thì phát triển kinh tế đảo gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch sinh thái biển đảo (bao gồm lặn biển). Đối với các đảo đông dân như Phú Quốc, Vân Đồn, Côn Đảo, Cát Bà, Lý Sơn... thì xây dựng thành các trung tâm kinh tế hải đảo toàn diện, dưới dạng "khu kinh tế mở"...

Bộ TN&MT đã phối hợp với các tỉnh, thành phố ven biển xây dựng "Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020" và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg ngày 9 tháng 10 năm 2007. Chương trình được thực hiện tại 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, bao gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận với phạm vi không gian được xác định như sau:

a) Phần đất liền: bao gồm tất cả các quận, huyện, thị xã ven biển của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên;

b) Phần biển: bao gồm vùng biển ven bờ cách bờ 6 hải lý trở vào của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên.

Đây là tiền đề cho một Chương trình rộng lớn hơn, áp dụng cho tất cả 28 tỉnh và thành phố ven biển.p
TS. Nguyễn Viết Lành - Chủ nhiệm Khoa Khí tượng Thủy văn, Tài nguyên nước - Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường: Năm 2008 sẽ đào tạo quan trắc viên hải văn chuyên nghiệp"

Quan trắc các số liệu nhiệt độ, sóng, gió ở biển cực kỳ quan trọng cho dự báo thời tiết cũng như nghiên cứu biến đổi khí hậu lâu dài.

Ở góc độ khoa học, nước biển có tác dụng điều tiết nhiệt độ Trái đất và hấp thụ khí CO2. Nước biển chỉ tăng 0,1OC là ảnh hưởng rất lớn đến bề mặt trái đất. Những nghiên cứu trong và ngoài nước đều khẳng định biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng tới vùng biển nước ta. Mực nước biển dâng làm chế độ thủy lý, thủy hóa và thủy sinh xấu đi. Kết quả là các quần xã sinh vật hiện hữu thay đổi cấu trúc, thành phần, trữ lượng bổ sung giảm sút. Dự báo trữ lượng các loài hải sản kinh tế giảm sút ít nhất 1/3 so với hiện nay. Cá ở các sạn san hô bị tiêu diệt và di cư đến các vùng biển khác. Các hải cảng gồm cầu tàu, nhà kho, bến bãi được thiết kế theo mực nước hiện tại sẽ phải cải tạo, thậm chí di chuyển. Nước biển dâng làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn, tác động xấu đến rừng tràm và rừng trồng trên đất nhiễm phèn ở các tỉnh Nam Bộ…

Hiện quan trắc viên ở các trạm hải văn trên cả nước đều chỉ có chuyên môn quan trắc khí tượng và được tập huấn nghiệp vụ trong thời gian ngắn. Với số lượng trạm quan trắc hải văn sẽ tăng lên 35 trạm vào năm 2020, gấp đôi hiện nay, việc đào tạo chuyên nghiệp đội ngũ quan trắc viên hải văn là điều cần kíp.

Khoa Khí tượng Thủy văn, Tài nguyên nước chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Khí tượng Thủy văn Biển xây dựng hoàn chỉnh chương trình đào tạo quan trắc viên khí tượng hải văn. Chương trình này sẽ được đưa vào giảng dạy ngay trong năm học tới, chiếm 25% tổng thời gian học của sinh viên chuyên ngành Quan trắc khí tượng. Hải dương học cơ sở, Máy và thiết bị quan trắc hải văn, Quản lý tài nguyên và môi trường biền, Dòng chảy biển, Mực nước biển và thủy triều, Nước dâng… là những môn học mới, lần đầu giảng dạy cho sinh viên ngành quan trắc.

Chúng tôi hy vọng tới đây sẽ có một lực lượng quan trắc viên hải văn chuyên nghiệp làm việc tại các trạm hải văn, các Sở TN&MT đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tương lai.p



Hồ Hoài Hà - Cán bộ Phòng Lãnh sự Việt kiều - Sở Ngoại vụ TP. Đà Nẵng: Lời từ biển

Tôi đang theo học thạc sĩ tại Australia từ tháng 7 năm ngoái. Dịp này về nhà nghỉ Tết.

TP. Brisbane, bang Queensland, nơi tôi theo học ra tới Gold Coast - vùng biển đẹp nhất của Australia, chỉ 80km. Nói thực là so với biển Đà Nẵng, cảnh quan Gold Coast không đẹp bằng nhưng do khai thác tốt hoạt động dịch vụ, nơi này vô cùng hấp dẫn du khách tới tham quan nghỉ dưỡng.

Dải đá ngầm lớn nằm ở ngoài khơi bang Queensland, Đông Bắc Australia, đã được công nhận là di sản thế giới. Hơn 400 loài san hô cùng 1.500 loài cá tại đó thu hút gần hai triệu du khách mỗi năm, đem về nguồn thu 3,1 tỷ USD cho nền kinh tế nước này. Các biện pháp mới tăng diện tích được bảo vệ từ 4,5% lên 33,3% hay 11 triệu hecta, nhỏ hơn Đức hoặc Nhật Bản chút ít. Ngư dân địa phương đang được bồi thường tới 200.000 đô-la Australia mỗi người do mất nguồn thu nhập. Chính phủ Australia đã áp đặt lệnh cấm đánh bắt và vận tải trên 1/3 diện tích của dải đá ngầm - cấu trúc sống lớn nhất trên Trái đất - nhằm bảo vệ một trong những điểm du lịch chính. Bruce Kingston, người phát ngôn của Công viên Biển Dải đá ngầm san hô lớn, cho biết: Đây là một bước đi quan trọng nhằm đảm bảo dải đá ngầm tồn tại với tư cách là một động lực kinh tế lớn cũng như là hình tượng tự nhiên của Australia.

Trong khi đó, Đà Nẵng là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh như Tạp chí kinh doanh hàng đầu thế giới Forbes từng bình chọn, lại không mấy thu hút được khách tham quan. Đúng hơn là hầu như du khách chỉ tới đây tắm biển rồi... về.

Gần đây, biển Đà Nẵng được gìn giữ vệ sinh tốt hơn. Đã có những đội thanh niên tình nguyện vận động cộng đồng và trực tiếp gìn giữ bờ biển. Thành phố cũng đã được chọn tham gia Dự án "Quản lý tổng hợp vùng bờ" hơn 5 năm nay nên ý thức cộng đồng bảo vệ bờ biển được cải thiện trông thấy. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là dọc bờ biển Mỹ Khê vừa thiếu các dịch vụ phục vụ du khách, vừa không còn nữa những bãi thông xanh tươi giữ cát ven biển nhiều năm trước. Người ta lấy lý do làm đường để đốn cả rừng thông dài dọc biển, nay mới trồng lại một số rặng dừa. Theo tôi, cần khôi phục những rừng thông như xưa. Vừa đẹp về cảnh quan vừa bảo vệ tốt môi trường ven biển. Cần nói thêm là ở một số nơi trong thành phố, vẫn còn hiện tượng hệ thống nước thải xả thẳng xuống biển.

Sử dụng biển để vinh danh cho mình nhưng cũng phải cứu lấy biển trước những ô nhiễm, tàn hại biển của con người. Còn quá nhiều việc cho các nhà quản lý đô thị. Quản lý du lịch TP. Đà Nẵng phải nỗ lực để biển Đà Nẵng tiếp tục là một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.p



Thạc sĩ Đinh Đức Trường - Khoa Kinh tế Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Đại học Kinh tế Quốc dân: Phải đánh giá đầy đủ tiềm năng và các mối đe dọa từ biển

Với quan điểm kinh tế môi trường, môi trường biển mang lại 3 giá trị chính. Đó là các giá trị sử dụng trực tiếp (direct use value), như các nguồn lợi thủy hải sản, dầu khí, muối, dược liệu, san hô hay giá trị của du lịch, giải trí. Các giá trị sử dụng gián tiếp (indirect use value) như giá trị chắn sóng, phòng ngừa bão lụt của hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, giá trị điều hòa vi khí hậu, cung cấp nơi cư trú cho các loại động thực vật, bồi tụ trầm tích, hấp thụ các chất thải từ các hoạt động của con người. Và các giá trị phi sử dụng (non-use value) như giá trị văn hóa, lịch sử của biển hoặc giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị nghiên cứu khoa học.

Song những giá trị của biển phụ thuộc vào khả năng quản lý, sử dung hiệu quả, bền vững của con người. Quản lý chuyên nghiệp trong du lịch biển đã mang đến một "thương hiệu" Việt Nam. Ngược lại, nếu chúng ta quản lý không tốt, rừng ngập mặn bị phá đi nhiều để nuôi tôm, hay ô nhiễm từ tràn dầu, giao thông biển, có thể làm suy giảm những khối giá trị mà biển cung cấp, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống kinh tế và phúc lợi xã hội.

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng tất yếu mà mọi quốc gia hướng tới. Điều quan trọng nhất giờ đây, theo tôi, là phải đánh giá được một cách đầy đủ và khoa học tiềm năng kinh tế mà tài nguyên biển mang lại cho đất nước và nhận diện, dự đoán được các mối đe dọa đối với tài nguyên này từ khách quan như biến đổi khí hậu cho đến chủ quan như chuyển hóa mục đích sử dụng biển v.v...

Sau khi biết đầy đủ được giá trị, ta mới có thể có các hoạt động quản lý như trên được. Đồng thời nhận thức của các đối tượng liên quan là rất quan trọng vì nhận thức sẽ quyết định hành vi khai thác và sử dụng tài nguyên bền vững. Vì thế, nên ưu tiên thực hiện các hoạt động giáo dục và truyền thông cho các nhóm đối tượng xã hội về giá trị, vai trò, tầm quan trọng và các lợi ích chúng ta thu về từ biển cũng như các hành vi sử dụng thân thiện bền vững nguồn tài nguyên này.



Nguyễn Thu Hằng - Sinh viên năm thứ tư Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội): Người dân còn đánh bắt hải sản bằng điện và xả rác xuống biển

Tôi sinh ra và lớn lên ở phường Cẩm Sơn, thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh. Ở đó, nhiều doanh nghiệp đã xây kè đá, mở các khu du lịch biển, khu chùa chiền tôn nghiêm thu hút nhiều du khách. Một số công ty khai thác than có ý thức vận chuyển than qua những con đường vắng người qua lại, che bạt để ít gây ô nhiễm bụi và tiếng ồn cho người dân.

Tuy nhiên ở những vùng biển còn khó khăn, người dân còn ít được trang bị các kiến thức bảo vệ môi trường biển. Mùa hè năm 2006, tôi làm tình nguyện ở xã Mũi Chùa và Cái Mắc (Tiên Yên - Quảng Ninh), người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cù kỳ kiếm sống. Họ sống cả tuần trên thuyền và để con cái trên đất liền nhờ họ hàng làng xóm trông nom giúp. Đáng báo động là ngư dân ở đây đánh bắt kỳ cùng bằng cách dùng điện ắc quy làm kỳ cùng bị tê liệt tạm thời. Cách đánh bắt này sẽ làm chết hàng loạt những loài cá nhỏ khác. Hơn nữa, rác thải, vệ sinh cá nhân trên thuyền đều đổ xuống biển.

Đời sống người dân trên bờ còn hết sức khó khăn nên hầu như họ chưa lo đến việc vệ sinh môi trường sống. Tôi nghĩ bảo vệ biển bền vững, trước hết phải tạo điều kiện cho cư dân ven biển làm ăn, ổn định cuộc sống. Những kiến thức chúng tôi tuyên truyền như làm nhà tiêu hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi để bảo vệ sức khỏe, lợi ích bảo vệ rừng, bảo vệ biển… được họ đón nhận nhiệt tình, nhưng nhiều người tâm sự "cái nghèo còn bám sau lưng thì phải lo miếng cơm manh áo trước".

Tốt nghiệp chuyên ngành môi trường vào tháng 7 năm nay. Tôi muốn về quê tôi ở Cẩm Sơn làm việc tại một công ty môi trường. Hy vọng tìm kiếm được những giải pháp hợp lý xử lý vấn đề môi trường đang bức xúc ở đây là ô nhiễm bụi than.

0 Nhận xét: