Biến đổi khí hậu là gì?

"Biến đổi khí hậu trái đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo".

Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác.

Các biểu hiện của sự biến đổi khí hậu trái đất gồm:

* Sự nóng lên của khí quyển và trái đất nói chung.
* Sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển có hại cho môi trường sống của con người và các sinh vật trên trái đất.
* Sự dâng cao mực nước biển do tan băng dẫn tới sự ngập úng của các vùng đất thấp, các đảo nhỏ trên biển.
* Sự di chuyển của các đới khí hậu tồn tại hàng nghìn năm trên các vùng khác nhau của trái đất dẫn tới nguy cơ đe doạ sự sống của các loài sinh vật, các hệ sinh thái và hoạt động của con người.
* Sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên và các chu trình sinh địa hoá khác.
* Sự thay đổi năng suất sinh học của các hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thuỷ quyển, sinh quyển, các địa quyển.

Các quốc gia trên thế giới đã họp tại New York ngày 9/5/1992 và đã thông qua Công ước Khung về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. Công ước này đặt ra mục tiêu ổn định các nồng độ khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp của con người đối với hệ thống khí hậu. Mức phải đạt nằm trong một khung thời gian đủ để các hệ sinh thái thích nghi một cách tự nhiên với sự thay đổi khí hậu, bảo đảm việc sản xuất lương thực không bị đe doạ và tạo khả năng cho sự phát triển kinh tế tiến triển một cách bền vững.

Biến đổi khí hậu - những hiểm hoạ đang đe doạ VN


(LĐCT) - Vấn đề trái đất nóng lên, nước biển dâng cao và khí hậu đang biến đổi một cách khắc nghiệt đến nay không còn là chuyện của thế giới, mà đang đe doạ trực tiếp đến VN: Lũ lụt, hạn hán, triều cường ngày càng nặng nề hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của con người và cả nền kinh tế.

Tăng 2 độ C, 22 triệu người Việt mất nhà

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), TP Hồ Chí Minh nằm trong danh sách 10 thành phố bị đe doạ nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu (bao gồm Calcutta và Bombay của Ấn Độ, Dacca của Bangladesh, Thượng Hải, Quảng Châu của Trung Quốc, TPHCM của VN, Bangkok của Thái Lan và Yangon của Myanmar).

Theo bản báo cáo về phát triển con người 2007-2008 của UNDP, nếu nhiệt độ trên trái đất tăng thêm 2 độ C, thì 22 triệu người ở VN sẽ mất nhà và 45% diện tích đất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của VN sẽ ngập chìm trong nước biển.

Ông Christophe Bahuet - Phó đại diện UNDP tại VN - nhận định: Biến đổi khí hậu có thể dẫn đến 5 nguy cơ lớn: Giảm năng suất nông nghiệp; gia tăng tình trạng thiếu nước; thời tiết cực đoan gia tăng; các hệ sinh thái tan vỡ và bệnh tật gia tăng.

Nước biển đang lấy đất

Với trên 3.000km bờ biển, VN được coi là quốc gia có mức độ dễ bị tổn thương cao hơn trước sự biến đổi khí hậu. Các huyện ven biển tỉnh Nghệ An thời gian gần đây đang bị nước biển xâm lấn đến mức báo động. Nhiều xã nằm cách bờ biển từ 5 đến 10km, nhưng đã và đang bị nước mặn tấn công.

ĐBSCL sẽ ngập 1.708km2 đất. Đó là thông tin do Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và Môi trường (KT-TV&MT) đưa ra tại hội thảo khoa học thường niên 2007 mới tổ chức tại TPHCM.

Theo thống kê, ĐBSCL có tổng diện tích 34.322km2, trong đó 18.066km2 đất thuộc các huyện ven biển. Trong các thập kỷ gần đây, yếu tố khí tượng thuỷ văn tại ĐBSCL tiếp tục thay đổi theo chiều hướng xấu. Các thiên tai như bão tố, lụt lội, xâm nhập mặn... xảy ra thường xuyên hơn và khó dự đoán.

Dự đoán, khi mực nước biển dâng cao từ 0,2-0,6m, sẽ có 1.708km2 đất bị ngập ảnh hưởng tới 108.267 người sinh sống. Tệ hơn thế, trong trường hợp nước dâng cao hơn mức dự đoán-Viện trưởng Viện Khoa học KTTV MT, ông Trần Thục cho biết: "Chỉ cần nước biển dâng lên vài mét, chúng ta sẽ mất đi một diện tích đất khoảng 15.000-20.000km2 tại ĐBSCL".

Hạn hán và lũ lụt

Dự án "Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Hương và chính sách thích nghi ở huyện Phú Vang, Huế" do Viện Khoa học KT-TV&MT thực hiện cho thấy, tài nguyên nước tại lưu vực sông Hương đang biến đổi theo tác động của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ có xu hướng tăng dần lên. Cường độ mưa đang có xu hướng tăng lên rõ rệt, và trên phần lớn lãnh thổ, lượng mưa có xu hướng giảm đi trong tháng 7, 8 và tăng lên trong các tháng 9, 10, 11.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền Thuận, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học KT-TV&MT tại TPHCM: "Khí hậu VN đã nóng lên 0,1-0,2độ C trong hơn 10 năm qua. Mực nước biển cũng đã dâng cao hơn. Dù tổng lượng mưa ít thay đổi, nhưng thời điểm mưa đã thay đổi, mùa khô kéo dài hơn, mùa mưa nhiều mưa hơn, khiến cho hạn hán và lũ lụt đều có chiều hướng tăng lên".

Trong 3 tháng cuối năm 2007, lượng mưa ở Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên vượt từ 100%-150% so với trung bình nhiều năm đã gây ra sáu trận lụt liên tiếp chưa từng có ở khu vực này gây thiệt hại nghiêm trọng.

Ở khu vực Bắc Bộ, lượng mưa lại thấp hơn 50%-80% so với mức trung bình nhiều năm, nên lượng dòng chảy trên các dòng sông ở Bắc Bộ đang cạn kiệt nhanh.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thuỷ văn Trung ương (TTDBKTTVTƯ), mực nước hồ Hoà Bình đã xuống thấp tới mức kỷ lục so với trung bình nhiều năm. Mực nước ngày 19.12, tại hồ Hoà Bình là 114,60m, với lưu lượng nước chảy về hồ là 510m³/s.

Trong khi đó, mực nước cùng thời kỳ năm 2006 (năm có mực nước và lưu lượng đến hồ Hoà Bình thấp nhất trong chuỗi số liệu 100 năm) là 116,40m và lưu lượng nước về hồ là 570m³/s.

Cũng theo dự báo của TTDBKTTVTƯ, lượng nước thượng nguồn các sông ở Bắc Bộ từ Trung Quốc chảy về hầu như không có, nên tình trạng thiếu nước phát điện chắc chắn sẽ rất cao trong thời gian tới.

Thích nghi từng bước

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Công Thành, VN đang nghiên cứu và từng bước thực hiện những dự án để tiến tới một dự án tổng thể về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực tế trong công tác phòng chống thiên tai, nếu như trước đây chúng ta chỉ chú trọng phòng và khắc phục hậu quả thì gần đây đã có sự chuyển hướng trong việc thích ứng và tìm biện pháp phòng ngừa, giảm nhẹ hậu quả thiên tai.

Cụ thể là chương trình sống chung với lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, và mới đây Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp thích ứng với lũ ở miền Trung.

Mặt khác, cần lồng ghép thông tin biến đổi khí hậu vào các kế hoạch phát triển, kết hợp với nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia của cộng đồng. Trong trường hợp như ở Phú Vang (Thừa Thiên Huế), cần phải xây dựng mới và nâng cấp hệ thống đê; nâng nền các công trình sát biển; quản lý sông và đầm phá, quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực và điều hành các hồ chứa...".

Để hạn chế thiệt hại do nước biển dâng cao, trước mắt các nhà khoa học ở VN đã đề ra phương án cần trồng rừng ngập mặn và quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản, phát triển các khu bảo tồn sinh thái; không quy hoạch khu định cư gần bờ biển, cửa sông; xây đê cao 1-1,2m để bảo vệ cảng biển, di tích, điểm du lịch... trong vùng ngập do nước biển dâng.

Để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, được biết Chính phủ đã dự kiến trong năm 2008 sẽ xây dựng kế hoạch hành động quốc gia. Theo kiến nghị của nhiều nhà khoa học, đây là vấn đề quá lớn nên riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường không thể giải quyết được. Chương trình hành động này phải phân công cụ thể cho từng bộ, ngành liên quan, đảm bảo sự phối hợp và phải quy trách nhiệm rất rõ ràng. (Phương Uyên

0 Nhận xét: