Môi trường toàn cầu: Giới hạn của sự tăng trưởng

TTCT - Tất cả các nền kinh tế đều e sợ những giới hạn, khi mà thuật ngữ “tăng trưởng GDP” luôn ở trên đầu môi chót lưỡi của các nhà hoạch định chính sách và người đứng đầu chính phủ. Nhưng họ cần phải nhận ra sự thật khó ưa này.

Giới hạn khí thải CO2 là ranh giới lớn nhất và căn bản nhất mà các chính phủ trên thế giới vẫn chưa đồng thuận và cùng đề ra một chính sách để giải quyết.


Tăng trưởng hay là chết” đã biến thành “tăng trưởng và chết”. Khả năng này có thể xảy ra và đã được cảnh báo hơn 30 năm trước. Vào năm 1972, tại Tổ chức CLB Rome - nơi thảo luận và sáng tạo của các chuyên gia hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chính sách, khoa học, môi trường..., ba câu hỏi đã được đặt ra để các thành viên CLB này động não:

“Nếu chúng ta không hành động bây giờ, hậu quả của tình trạng thay đổi khí hậu sẽ rất thảm khốc” (Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon)

1. Điều gì sẽ xảy ra nếu quá trình tăng dân số thế giới cứ tiếp tục không được kiểm soát?

2. Sẽ có những hậu quả gì về môi trường nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn giữ nguyên như thế?

3. Cần phải tiến hành nghiên cứu những gì để bảo đảm cho nền kinh tế toàn cầu đủ nuôi sống toàn bộ dân số, và cũng đủ để phù hợp với những giới hạn tự nhiên khách quan của Trái đất?

Ngay sau cuộc thảo luận đó, một cuốn sách mang tựa đề Limits to growth đã ra đời dựa trên lý thuyết động năng (dynamics theory) và ngay lập tức gây sốc, tạo ra nhiều tranh luận trên thế giới với số lượng 12 triệu ấn bản được dịch ra 27 ngôn ngữ khác nhau.

Dựa trên các biến số về dân số thế giới, tốc độ công nghiệp hóa, tình trạng ô nhiễm, sản lượng thực phẩm và sự suy kiệt nguồn tài nguyên, mô hình World3 phân tích và cho thấy 12 viễn cảnh khác nhau với những kết quả về môi trường và khuôn mẫu phát triển toàn cầu qua hai thế kỷ, từ năm 1900-2100. Phần lớn các viễn cảnh này được chứng minh là sẽ dẫn đến khủng hoảng và suy sụp. Chỉ một số ít cho thấy khả năng phát triển bền vững. Và điều căn bản nhất mà con người cần phải nhận thức chính là thế giới đang có xu hướng gặp thảm họa do dân số tăng, sự bành trướng của nền công nghiệp, tình trạng kiệt quệ nguồn dự trữ các tài nguyên tự nhiên (đất, nước, dầu mỏ), sự hủy hoại môi trường sống và tình trạng thiếu lương thực.

Giới hạn CO2

Khí CO2 là nguyên nhân chính ngăn chặn khoảng 63% nhiệt lượng Trái đất trên bầu khí quyển. Hiện tại, mỗi năm con người đang thải ra khoảng 7,9 Gton (tỉ tấn) carbon (ở đây tính khối lượng carbon dựa trên đương lượng hóa học thì trong 3,7 tấn CO2 có chứa 1 tấn carbon) từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, cộng thêm từ 1-2 Gton C của thảm họa cháy rừng.

Theo Hội đồng cố vấn về biến động toàn cầu của Đức, giới hạn nguy hiểm chính là mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên +2°C, so với nhiệt độ của thời kỳ tiền công nghiệp. Gần đây, con số +2°C đã được cả Liên Hiệp Quốc, Hội đồng châu Âu, các chính phủ Anh, Đức và Thụy Điển thông qua. Tuy nhiên, ít chính phủ và tổ chức nào chịu nhận ra rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng +2°C một khi mật độ CO2 có trong bầu khí quyển chạm mức 450ppm (phần triệu) - theo thống kê trong Báo cáo lượng giá lần 4 của Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC).

1ppm CO2 = 2 Gton C. Hiện nay, mật độ khí CO2 có trong bầu khí quyển là 390ppm, vì chúng ta đã thải ra tổng cộng 370 Gton C trong thời kỳ công nghiệp hóa. Và như thế có nghĩa là con người chỉ được phép thải ra thêm 60ppm khí CO2, hay 200 Gton C, tương ứng với mục tiêu 450ppm của +2°C. Tuy nhiên, khi đem so sánh với kế hoạch “kinh doanh bình chân như vại” trên toàn thế giới của IPCC - dự kiến tổng lượng khí thải trên toàn thế giới vào năm 2100 là 1.600 Gton C - thì giới hạn trên không thực tế mấy. Nhưng đó là khách quan, và thiên nhiên không màng tới những lý thuyết kinh tế và công nghệ của con người khi thực hiện ý định của mình.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi ông James Hansen - giám đốc Học viện Nghiên cứu không gian Goddard (thuộc NASA) - thú nhận: “Vì biết rất nhiều về lịch sử Trái đất, cho nên nếu chúng ta muốn giữ cho hành tinh này giống như nó đang tồn tại hiện nay, thì tốt hơn không nên chấp nhận một mức tăng hơn 1°C. Bởi lẽ khi nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2°C hoặc 3°C, đó sẽ là nhiệt độ của kỷ giữa Pliocene (thời kỳ cuối thứ ba trong lịch sử Trái đất) và đó là một hành tinh hoàn toàn khác. Biển băng không tồn tại ở hai cực Trái đất trong mùa nóng và mực nước biển dâng cao hơn 25m”.

Thủy triều dâng

Ủy ban Quốc gia về khí quyển và đại dương của Hoa Kỳ vừa công bố: “Nhiệt độ cộng gộp đất liền và đại dương từ tháng 12-2006 đến tháng 2-2007 là 1,3°F trên mức trung bình so với các ghi nhận dài hạn từ năm 1880. Trong thế kỷ vừa qua, nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng +0,11°F mỗi thập niên. Nhưng mức nhiệt độ ấy đã tăng cao gấp ba lần kể từ năm 1976”. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, “nhiệt độ bề mặt toàn cầu từ tháng 1 đến 4-2007 gần như được xếp vào mức ấm nhất kể từ... năm 1880”.

Trong khi đó, từ năm 1953-2006, lớp băng trên Bắc Băng Dương đã suy giảm khoảng 7,8% mỗi thập niên. Các sông băng và núi băng chiếm khoảng 60% lượng băng trên toàn thế giới cung cấp nước cho các đại dương và tốc độ này đang gia tăng vào cuối năm 2006, với tổng thể tích nước là 416 tỉ m3/năm, với mức tăng thêm gần 50 tỉ m3 hằng năm. Mực nước biển dâng cao (Sea level rise - SLR) là điều không thể tránh khỏi.

Hãy xem các hậu quả của SLR như thế nào. Theo IPCC, khi SLR dâng cao hơn 1m, Bangladesh sẽ mất khoảng 1/5 diện tích, hơn 2.000 dặm vuông ở vùng duyên hải và thành thị tiểu bang North Carolina (Mỹ) sẽ nằm dưới mực nước biển. Ba mươi trong số các thành phố lớn nhất của thế giới đang nằm gần biển, 1m thủy triều dâng sẽ đẩy trực tiếp 300 triệu người vào tình trạng nguy hiểm. Các hãng bảo hiểm cũng đang “ngồi trên đống lửa”, vì tính cho đến năm 2004, tổng giá trị các tài sản được mua bảo hiểm ở vùng duyên hải Florida là 1.937 tỉ USD, trong khi ở New York là 1.902 tỉ USD.

Còn Việt Nam thì sao?

Với 3.260km đường bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo với tổng diện tích 1.600km2, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo sẽ là một trong ba quốc gia (cùng với Ai Cập và quần đảo Bahamas) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi SLR. Mặc dù tổng diện tích vùng duyên hải và đảo trên biển chỉ chiếm 12% lãnh thổ, nhưng đó lại là nơi cư ngụ của 23% dân số Việt Nam.

Một mét SLR sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 11% dân số. Ba mét SLR sẽ ảnh hưởng đến 1/4 dân số, 12% diện tích lãnh thổ, 17% sản lượng nông nghiệp, chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, và đe dọa 1/4 mức GDP Việt Nam. Đó là chưa kể đến những thiệt hại trong ngành công nghiệp du lịch, một trong những niềm hi vọng mới của Chính phủ. Dự báo nhiệt độ tăng trên toàn cầu sẽ làm các du khách vùng ôn đới không cần phải đi du lịch trú đông ở xứ nhiệt đới nữa, vì tại nước họ đã “nóng sẵn” rồi.

Thế mà hiện nay, các chính sách và qui hoạch chiến lược của Chính phủ Việt Nam vẫn chưa thấy đề cập và tính đến những tác động của SLR cho các ngành kinh tế biển. Một điều lạ khác là trong khi người Mỹ đang muốn xóa bỏ khu Manhattan và dời thành phố New York vào trong đất liền vì SLR, thì chúng ta lại đang tính phát triển và xây thêm những thành phố ven sông Hồng và sông Sài Gòn. Những bất cập sẽ xảy ra trong tương lai, nếu con người có thừa tham lam và hiếu thắng, nhưng thiếu tôn trọng tự nhiên.

ĐẠT ÂN


Nhận xét:

Lê Anh Tuấn nói...

Hi, thu nghiem van con dang tieptuc ma